Bảng Môn Đình

Bảng Môn Đình thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là công trình kiến trúc oai nghiêm, đồ sộ nhất trong vùng làng quê xưa, Bảng Môn Đình ra đời gắn với quá trình tụ cư làng xã và vấn đề học hành khoa bảng được đề cao. Khi đã an cư lập nghiệp, ổn định cuộc sống, hình thành thôn, làng thì nhân dân các địa phương lại cùng nhau góp sức xây dựng nên đình. Ngoài việc thờ cúng Thành hoàng và tôn vinh đạo học, Bảng Môn Đình còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật cao.

Ai về Hoằng Lộc mà coi

Chợ Quăng một tháng bốn hai phiên đều

Trai mỹ miều bút nghiên, đèn sách

Gái thanh tân chợ búa, cửi canh

Trai thời chiếm bảng đề danh

Gái thời dệt vải vừa lanh (nhanh) vừa tài.

Xã Hoằng Lộc xưa có 12 vị đỗ đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, cùng gần 200 hương cống, cử nhân, 140 người đỗ sinh đồ, tú tài. Để tôn vinh nghiệp học, vào thế kỷ 15, người dân Hoằng Lộc đã dựng lên Bảng Môn Đình vừa là nơi thờ Thành hoàng làng, vừa là nơi hội tụ của nho sinh dùi mài kinh sử, nơi tôn vinh các vị khoa bảng khi vinh quy bái tổ về làng. Bảng Môn Đình đã trở thành biểu tượng của sự hiếu học của người Hoằng Lộc và được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia.